• Chia sẻ qua Zalo
  • Chia sẻ FB
  • Góp ý & Báo lỗi
  • Bình luận0

Sự Thật Sốc: Chim Cánh Cụt Là Bậc Thầy Ly Hôn

 Chim cánh cụt không phải lúc nào cũng là biểu tượng của sự chung thủy như nhiều người vẫn nghĩ. Một nghiên cứu tại Australia phát hiện loài chim cánh cụt nhỏ (Eudyptula minor) – loài chim cánh cụt bé nhất thế giới – có tỷ lệ "ly hôn" cao gấp nhiều lần con người.

Theo dữ liệu từ Đại học Monash, trong 12 mùa sinh sản từ năm 2000 đến 2013, các nhà khoa học đã ghi nhận khoảng 250 trường hợp chim cánh cụt "chia tay" trong một nhóm gần 1.000 cặp trên đảo Phillip. Trung bình mỗi năm có khoảng 21 cặp tan rã. Trong khi đó, tỷ lệ ly hôn của con người tại Mỹ chỉ rơi vào khoảng 2,4 trên 1.000 cặp mỗi năm, thấp hơn gần 10 lần so với chim cánh cụt.



Nhóm nghiên cứu xác định một vụ ly hôn khi một cá thể được gắn thẻ từ mùa sinh sản trước xuất hiện trở lại với bạn đời khác. Quần thể chim cánh cụt nhỏ trên đảo Phillip có hơn 37.000 con, nhưng kích thước mẫu nghiên cứu vẫn phản ánh xu hướng chung của loài này.

Không chỉ chim cánh cụt nhỏ, một số loài khác cũng không hoàn toàn chung thủy. Chim cánh cụt hoàng đế (Aptenodytes forsteri) và chim cánh cụt Adélie (Pygoscelis adeliae) đôi khi vẫn có quan hệ ngoài luồng dù đã kết đôi. Một nghiên cứu từ năm 1999 cho thấy chỉ 15% chim cánh cụt hoàng đế vẫn ở cùng bạn đời cũ trong các mùa sinh sản liên tiếp.

Theo nhà sinh thái học Richard Reina tại Đại học Monash, việc giữ hay bỏ bạn đời ở chim cánh cụt chủ yếu phụ thuộc vào khả năng sinh sản. "Khi điều kiện thuận lợi, chúng thường duy trì bạn đời, dù có thể xảy ra hành vi ngoài luồng. Nhưng nếu một mùa sinh sản thất bại, chúng có xu hướng thay đổi bạn đời để tăng cơ hội sinh sản thành công vào năm sau."

Ly hôn không phải lúc nào cũng là dấu hiệu tiêu cực mà đôi khi còn là một chiến thuật sinh tồn. "Việc đổi bạn đời có thể giúp tăng cơ hội sinh sản lâu dài, đặc biệt khi bạn đời trước không phù hợp, một cá thể tốt hơn xuất hiện hoặc điều kiện môi trường tác động đến việc tái kết đôi," nhà nghiên cứu Andre Chiaradia từ Đại học Monash nhận định.

Nghiên cứu này nhấn mạnh rằng các yếu tố xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các loài động vật hoang dã.

Tin liên quan

-->